Thứ Tư, 21 tháng 2, 2024

Cách niệm Phật tại nhà

Dù Phật A Di Đà cứu độ không có điều kiện, nhưng người sơ cơ vẫn nên cố định thời khoá niệm Phật. Sớm khi mới dậy và tối trước khi ngủ, tối thiểu nên từ 15 phút. Dù nhà có bàn thờ Phật hay không cũng không ảnh hưởng gì đến việc niệm Phật. Tín tâm càng tăng trưởng sâu tất sẽ niệm Phật nhiều. Còn niệm ít tất sẽ buông lung theo tập khí phiền não, lâu dần quên mất câu niệm Phật. Ta cứ gắng từng chút một, sau một thời gian tất sẽ tạo thành thói quen. Phàm phu chúng ta quen nhất là gì? Chính là ngũ dục phiền não. Xa lạ nhất là gì? Chính là niệm Phật. Vậy nên hình thành thói quen từ chỗ lạ thành quen, chuyển lạ thành quen.

Đừng vội vàng, đừng mong cầu nhất tâm. Đừng cầu thần thông hay phát hiện các cảnh giới. Cứ an nhiên niệm Phật, mọi thứ sẽ không mong cầu mà tự được. Niệm Phật quan trọng nhất nơi chí tâm chứ không phải nơi số lượng nhiều hay ít. Bởi mục đích trọng yếu của ta khi niệm Phật là vãng sanh chứ không vì điều gì khác. 

Sáng sớm tĩnh toạ có thể nhanh chóng chuyển hoá tinh thần, tính tình và thân thể của ta. Bởi sáng sớm là lúc tâm linh bình hoà yên tĩnh nhất. Lúc này tịnh toạ niệm Phật có thể nói như "trăng soi đầm lạnh". Cái tâm yên tĩnh của buổi sáng sớm, từng câu niệm Phật thì nghiệp chướng nhanh tiêu trừ, phước đức nhanh tăng trưởng. Nhất là khi trong từng câu Phật hiệu không xen tạp niệm, trong lòng sẽ cảm thấy an tường tịch tĩnh.

Ngoại trừ lúc ngủ hoặc động não, thời gian còn lại đều có thể niệm Phật. Niệm nhiều, niệm ít do hoàn cảnh mỗi người không giống nhau. Khi niệm Phật tâm tịnh hay không tịnh, mỗi người cũng có muôn vàn sai khác. Nhưng chớ lo, điều này chẳng ảnh hưởng gì đến việc cứu độ bình đẳng của Phật A Di Đà. Khi vãng sanh rồi đều ở cùng một cảnh giới, không phân biệt cao thấp.

Cách niệm Phật để tâm nhanh chuyên nhất là khi niệm Phật, nên nhiếp tâm lắng nghe. Tức dùng tai lắng nghe câu niệm Phật của chính mình. Bất luận là niệm lớn tiếng hay nhỏ tiếng, kim cang trì hay mặc niệm cũng đều dùng tai lắng nghe. Bởi chuyên chú vào âm thanh câu Phật hiệu của chính mình nên tất cả âm thanh xung quanh sẽ không còn để ý. Nếu dùng cách niệm Phật này, dù thời gian niệm có ngắn, nhưng do chí tâm nên công đức là vô lượng.

Vì là phàm phu, vọng tưởng ai cũng có, nên không cần phải lo lắng. Bởi nó chẳng liên quan gì đến việc vãng sanh của ta cả. Cách niệm Phật để đối trị vọng tưởng thì "chí thành cung kính đứng đầu". Chỉ cần thành khẩn thì tâm sẽ nhanh chuyên nhất. Rồi ta niệm Phật với tâm trạng như thế một thời gian, vọng niệm tự hết. 

Khi còn thức, ta niệm Phật cách nào cũng được, cứ nhớ ra là niệm. Nhưng khi nằm hoặc ở nơi bất tịnh (nhà vệ sinh) thì chỉ nên niệm thầm. Khi nằm nếu niệm ra tiếng thì bất kính, lại dễ bị tổn khí. Lâu ngày thành bệnh, điều này chẳng thể không biết. 

Khi cuộc sống còn phải mưu sinh, ta cần mang niệm Phật vào trong cuộc sống hàng ngày. Khiến niệm Phật thành cuộc sống, cuộc sống là niệm Phật. Bất kỳ là ta ở đâu, thời gian nào, làm chuyện gì đều có thể niệm Phật được. Chỉ cần bất cứ lúc nào nhớ ra, ta niệm Phật ngay. Lâu ngày thành thói quen, câu Phật hiệu huân tập sâu nơi Tạng thức. Ta sẽ luôn nhớ niệm Phật không quên. 

Khi rảnh rỗi, không có làm gì, ta nên chuyên tâm niệm Phật. Hoặc một giờ, hoặc 30 phút hoặc niệm một ngàn, hai ngàn câu, bao nhiêu cũng được. Đây gọi là chuyên tâm niệm Phật. Riêng về tán tâm niệm Phật. Bởi vì ta còn cơm áo gạo tiền, mắt, tai phải đối mặt với âm thanh sắc tướng cho nên không phải chuyên. Tuy không chuyên nhưng không trở ngại ta niệm Phật.

Pháp môn niệm Phật là đạo an lạc, nên cần ăn thì ăn, cần ngủ thì ngủ. Cần làm việc thì cứ làm việc, thời gian còn lại luôn niệm không rời. Cho nên, niệm Phật là một trạng thái thảnh thơi, an nhiên tự tại. Không nên cưỡng cầu hoặc cố gắng quá mức. Đừng yêu cầu bản thân quá mức, nếu không, không những thân tâm không an lạc, mà ngược lại còn tệ hại hơn. 

Sai lầm lớn nhất của người niệm Phật là luôn tự tạo chướng ngại cho mình, ví như: Làm thế nào để niệm Phật được nhất tâm? Phải niệm Phật thế nào để được tịch tĩnh? Phải làm thế nào để niệm Phật được tinh tấn? Vì tự chướng ngại nen tâm sanh khổ não, nên hết sức cẩn trọng. 

Khi ta nương hoàn toàn vào tha lực nhiếp hộ của Phật A Di Đà rồi thì: Khi niệm Phật chỉ nên chuyên niệm Phật, không cần phải quán tưởng tượng Phật, không cần phải quán tưởng hoa sen hoặc quán tưởng Quang minh Phật. Cũng không cần tư duy về công đức của Phật, tất cả đều không cần. 


Cũng khá lâu rồi, hôm nay cháu mới lại nhớ Ông đến vậy! Nhớ như một cái gì đó rất gần mà lại rất rất xa. Là không gian, là thời gian, khoảng...